Ý kiến thăm dò

Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
48424
 4.png

Xã có chiều dài 3,5 km, chiều rộng 2,5 km, với tổng diện tích đất tự nhiên là 775,81 ha (trong đó: Diện tích đất nông nghiệp: 480.2ha, đất phi nông nghiệp: 291,45ha; đất chưa sử dụng: 4,16ha).

Về địa hình và đất đai: Xã Định Tân thuộc vùng đồng bằng của huyện, được bồi đắp bởi phù sa của sông Mã. Tuy nhiên, do tiếp giáp với vùng trung du, vùng núi nên vùng đồng bằng xã Định Tân có độ dốc lớn hơn so với các vùng đồng bằng khác trong tỉnh, đồng thời còn có sự xen kẽ các núi như: Núi Củ (làng Yên Hoành), có diện tích 0,86ha, cao 19m; núi Chùa (làng Yên Hoành), có diện tích 0,6ha, cao 19m; núi Quy Sơn (làng Yên Định), có diện tích 7,1ha, cao 47m; núi Quản (làng Yên Định), có diện tích 0,4ha, cao 07m, xưa kia nhân dân gọi là núi Hạc Lĩnh, hay núi Voi  Chầu nên địa hình xã Định Tân bị chia cắt thành bán sơn địa.

Cũng như các xã thuộc vùng đồng bằng bán sơn địa trong huyện, đất đai của xã Định Tân được hình thành chủ yếu do sự bồi đắp và tích tụ của phù sa sông Mã. Hiện nay, với hệ thống đê sông Mã nên đất đai của Định Tân thuộc nhóm đất phù sa không được bồi đắp hàng năm, loại đất này có độ PH trung tính, lượng mùn khá, rất thuận lợi cho thâm canh cây trồng, nhất là cây lúa và cây hoa màu cho năng suất cao. Ngoài ra, Định Tân còn có một diện tích nhỏ thuộc nhớm phù sa úng nước, nhóm đất này đã được một số hộ dân trong xã nhận làm trang trại cá lúa và trang trại tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao.

Về thủy văn: Địa bàn xã Định Tân có sông Mã chảy qua. Đây là sông lớn nhất ở tỉnh Thanh Hóa, đồng thời còn là con sông cái lớn nhất miền Trung. Con sông được phát nguồn từ vùng Điện Biên Phủ, ở độ cao từ 800 - 1.000m, chảy qua các tỉnh Sơn La, Sầm Nưa (Lào) và vào Thanh Hóa ở huyện Quan Hóa. Tính từ nguồn tới cửa biển, toàn sông dài 528km, trong đó phần chảy trên lãnh thổ Việt Nam là 410km. Riêng trên địa phận Thanh Hóa là 242km, trong đó phần chảy qua huyện Yên Định khoảng 31,5km, chảy qua địa phận xã Định Tân khoảng 3,5km.

Trong suốt quá trình lịch sử lâu dài, sông Mã và sông Chu đã bồi đắp nên một vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn và rất màu mỡ. Đồng thời, đây chính là tuyến đường huyết mạch chủ yếu để nhân dân trong xã giao lưu và thông thương với các vùng lân cận, cũng là con đường đưa đón, tiếp nhận các luồng di cư từ nhiều nơi khác đến khai khẩn đất đai, để lập nên những xóm làng trù phú.

Ngoài hề thống sông Mã, trên địa bàn xã còn có các hồ, ao, đầm như: hồ Ấu, hồ Mộc Hoàn, đầm Yên Định hay còn gọi là đầm An Định; các hồ, đầm trong xã có diện tích khoảng 8ha và đang được nhân dân thả cá. Hiện nay, đầm Yên Định đã được địa phương đầu tư xây dựng làm công viên cây xanh, hồ sinh thái, đây chính là lá phổi điều hòa không khí cho nhân dân trong xã.

Với vị trí địa lý như trên, Định Tân chịu ảnh hưởng chung của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa. Nhiệt độ trong năm giao động từ 15 - 39oC, có 4 tháng nhiệt độ trung bình thấp dưới 20oC (từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau). Mùa nắng nóng kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8, trời oi bức, thỉnh thoảng có những cơn mưa lớn và hay có bão. Mùa đông lạnh kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, trời hanh khô, vào những ngày cuối năm thường hay có mưa phùn nên không khí ẩm ướt và đôi khi có sương muối. Mùa mưa kéo dài từ tháng 6 đến tháng 11, trong đó lượng mưa lớn nhất là vào tháng 9. Hướng gió thay đổi theo mùa, phổ biến là gió Đông Nam vào mùa hè và gió Đông Bắc vào mùa đông. Về mùa hè, xuất hiện gió phơn Tây Nam mang theo không khí khô nóng, ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Nhưng nhìn chung, nóng ẩm quanh năm, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp và chăn nuôi.

Có thể nói, vùng đất Định Tân với các kết cấu đại chất, địa hình, địa thế, khí hậu có những đặc điểm riêng, song có liên quan, gắn bó mật thiết với huyện Yên Định. Ngoài sông Mã chảy qua, trên địa bàn xã còn có một hệ thống kênh mương phân bố dày trên khắp địa bàn. Do đó, địa lý Định Tân rất đa dạng và phong phú; có nhiều tiềm năng của đất đai, sông ngòi, kênh, mương, hồ, đầm, đồng ruộng đã được con người Định Tân khai thác và tận dụng hết tiềm năng để phát triển kinh tế.

Về giao thông đường thuỷ: địa phương có sông Mã chảy qua nên rất thuận lợi trong giao lưu đường thuỷ. Thuyền, bè địa phương và các địa phương bạn ngược xuôi lên rừng, xuống biển tới các vùng, miền trong và ngoài tỉnh.

Hệ thống giao thông bộ: hiện nay, hệ thống giao thông của Định Tân đã được hoàn thiện, toàn xã có 29 km đường giao thông liên thôn, liên xã được bê tông và nhực hóa, có đường tỉnh lộ 516C và đường giao thông liên huyện đi qua nối Quốc lộ 45 với Quốc lộ 217, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương trong và ngoài huyện tới mọi miền đất nước, góp phần quan trọng để địa phương đẩy mạnh giao lưu phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã Định Tân, trong những năm gần đây, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn xã ngày càng ổn định, xu thế đô thị hóa đang được các cấp, các ngành quan tâm và dần dần hình thành các điểm cư dân tập trung bám theo trục đường giao thông. Cơ cấu nền kinh tế của xã hiện nay đã và đang được chuyển đổi theo hướng tích cực và hợp lý, với tỷ lệ cơ cấu các ngành trong tổng giá trị sản xuất: NLTS 25,5%, CNXDCB 26,55, DV 48%. Từ cơ cấu kinh tế hợp lý đã tạo thêm nhiều công ăn, việc làm cho người lao động; đến nay trên địa bàn xã không còn hộ  nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo năm 2024 giảm xuống còn 2,79%.

Theo số liệu thống kê năm 2024, xã Định Tân có 1.590 hộ với 6.105 nhân khẩu, sinh sống tại 4 làng. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm từ 0,45 - 0,46 %, đây là cơ cấu dân số hợp lý với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay./.

Thực hiện: Công chức VH-XH

CÔNG KHAI TIẾN ĐỘ GIẢI QUYẾT TTHC